image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
  
image advertisement
Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Cảnh tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2019 và triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2019 – 2020

​Ngày 03/10/2019 UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố về việc Tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2019 và triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2019 – 2020.

Sau khi nghe báo cáo tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2019 và triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2019 – 2020, các báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu của các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp/HTX sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Cảnh kết luận chỉ đạo như sau: 
- Sản xuất cây trồng năm 2019 với sự nỗ lự​c chỉ đạo, điều hành, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý sản xuất cây trồng nên đạt được nhiều kết quả tích cực. Sản lượng lúa năm 2019 trên 2.750.000 tấn, đạt 100% kế hoạch đề ra; Chương trình Cánh đồng lớn và Chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cây lúa, rau, thanh long tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả tăng nhanh như chanh, thanh long,.. Đây là kết quả tốt góp phần đảm bảo các chỉ tiêu được giao. 
Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh trong tiến trình hội nhập, giá thành sản xuất vẫn còn cao nên rất khó cạnh tranh với thị trường nông sản các nước trên thế giới; việc thất thoát trong thu hoạch nông sản vẫn còn rất lớn,... ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Một số địa phương công tác chỉ đạo, kiểm tra chưa được quan tâm sâu sát nên vẫn còn diện tích lúa gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo, đây là điều kiện cho sâu bệnh gây hại cây trồng. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sinh vật gây hại cây trồng và dịch bệnh trên vật nuôi còn diễn biến phức tạp, nhất là tình hình Dịch tả heo Châu Phi đang lây lan rất nhanh nhưng chưa có vắc xin phòng trị. 
- Để sản xuất cây trồng vụ Đông xuân 2019 – 2020 đạt hiệu quả, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu lương thực, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. UBND huyện, thị xã, thành phố dựa trên đặc điểm sản xuất tại địa phương có các giải pháp, chỉ đạo cụ thể, phù hợp nhằm đạt thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đề ra.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch hại trên cây trồng, đặc biệt rầy nâu, sâu năn, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lúa,... nhằm bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại; chú trọng tuyên truyền nông dân sạ thưa (100 kg/ha) và không phun thuốc trừ sâu sớm (40 ngày sau khi sạ). Theo dõi, chỉ đạo sát sao công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Các huyện, thị xã có diện tích gieo sạ lúa Thu Đông 2019 cần tập trung chỉ đạo quản lý, theo dõi sát tình hình sinh vật gây hại, giúp nông dân phát hiện và phòng trừ kịp thời. Sau khi kết thúc vụ Thu Đông nên khuyến cáo nông dân kiểm tra nguồn nước trữ, bố trí cây trồng cho hợp lý. 
3. Các địa phương căn cứ diễn biến chất lượng nguồn nước, địa hình ở từng vùng, tình hình rầy nâu vào đèn để thông báo lịch xuống giống hợp lý theo khung lịch thời vụ của tỉnh. Các huyện phía Bắc cần tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo sạ dứt điểm vụ lúa Đông Xuân 2019 – 2020 trong tháng 12/2019. Các huyện phía Nam cần chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường và xâm nhập mặn nên chuyển sang các cây trồng ngắn ngày và áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm để đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng. Mặt khác, khuyến cáo người dân sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc và hiệu quả trong khâu làm đất. 
4. Tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng khác hiệu quả hơn. 
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. 
5. Tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật và thực hiện tốt các chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Đối với các huyện, thị xã trong vùng dự án VnSAT (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường), cần tập trung thực hiện dự án đạt hiệu quả cao, đảm bảo theo mục tiêu yêu cầu của dự án, giải ngân đạt cao nhất nguồn vốn được phân bổ. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị báo cáo UBND tỉnh để có hướng xử lý kịp thời. 
6. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng HTX điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung xây dựng 04 HTX điểm điển hình trên cây lúa, rau, thanh long và con bò thịt. 
7. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái”,… 
8. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh trong việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, trước mắt là thanh long và khoai mỡ; đồng thời, thông tin thêm các điều kiện cần khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc; tiếp tục triển khai lấy ý kiến về việc thành lập Hội các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nếp nhằm thống nhất vùng trồng, giá cả thu mua để đẩy mạnh đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, bảo đảm chất lượng và tăng giá trị hàng hóa, qua đó góp phần tăng tăng thu nhập cho người nông dân. 
9. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh, quan tâm phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ và tìm đầu ra bền vững đối với nông sản, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng trung tâm kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn. 
10. UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp trong sản xuất vụ Đông Xuân 2018 – 2019 và thông tin tuyên truyền danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.
11. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, tập trung công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, bệnh lở mồm lông móng trên gia súc và Tai xanh trên heo, đặc biệt đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi hiện đang diễn biến rất phức tạp và chưa có vắc xin phòng trị, các địa phương chủ động hoàn chỉnh hồ sơ tiêu hủy đối với heo mắc bệnh, phân công rõ cá nhân phụ trách, tiêu hủy đến đâu làm hồ sơ đến đó, không để ứ đọng đến cuối năm; lưu ý, thực hiện đúng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; ngoài ra, không được chủ quan đối với các xã đã hết dịch sau 30 ngày thực hiện tiêu hủy; hiện nay, giá heo đang tăng cũng là một thách thức cho công tác chống dịch, công tác tái đàn sau dịch cần phải chú ý kiểm tra xác minh nguồn gốc, chất lượng con giống. 
Triển khai thực hiện các kế hoạch truyền thông, phòng chống dịch bệnh và khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP.
12. Tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm các huyện vùng hạ, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Phối hợp kiểm tra chặt chẽ nguồn tôm giống, cá tra bột giống nhập tỉnh.
13. Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng đã được giao năm 2019; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực quản lý: bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, mua bán các loài động vật hoang dã, các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản và gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh./.
                                                                             VPTT

Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
  image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement