Do đợt triều cường này trùng với thời điểm ảnh hưởng mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh nên dễ xảy ra ngập úng ở những vùng trũng thấp. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các tình huống bất lợi có thể xảy ra trong đợt triều cường Rằm tháng 8 Âm lịch, kết hợp mưa to có khả năng xuất hiện trong những ngày tới.
Ngày 19/9/2024, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi đã phát hành văn bản số 776/PTNTL-QLCTPCTT triển khai đến các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa và Thành phố Tân An các nội dung như sau:
- Thường xuyên theo dõi chặt chẽ dự báo, cảnh báo về diễn biến tình hình triều cường, mưa dông thông qua bản tin của các cơ quan chuyên môn: Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ; Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An; trang website Phòng chống thiên tai tỉnh Long An (http://pctt.longan.gov.vn;https://www.facebook.com/ThongtinPCTTLongAn); nhằm kịp thời thông tin đến người dân trên các phương tiện truyền thông về diễn biến của đợt triều cường (thông báo cụ thể ngày, giờ đỉnh triều xuất hiện), mưa dông, lốc, sét… để người dân chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời.
- Tăng cường huy động các lực lượng phòng chống thiên tai cấp xã tổ chức tuần tra, kiểm tra, rà soát phát hiện sớm các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở để kịp thời gia cố, tôn cao các tuyến đê bao, bờ bao cao trình thấp không đảm bảo ngăn triều, không để xảy ra sự cố tràn đê, vỡ đê. Triển khai cắm các biển cảnh báo ngập sâu, sạt lở nguy hiểm và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt tại các khu vực xung yếu nhất là khu vực dân cư, khu vực ven sông, kênh, rạch đảm bảo an toàn các khu dân cư, khu đô thị ven sông. Có kế hoạch thường xuyên kiểm tra các cửa cống đầu mối, các trạm bơm tiêu chống ngập úng, phát hiện, xử lý ngay giờ đầu các hư hỏng, rò rỉ, vận hành hợp lý các cống đầu mối và tránh tình trạng ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
- Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, các giải pháp phòng chống điện giật, đuối nước cho trẻ em; sẵn sàng huy động, bố trí lực lượng xung kích trực canh theo dõi, kiểm tra, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu, đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”; và vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn, bố trí lực lượng phân luồng giao thông hợp lý tại các đoạn đường có khả năng bị ngập sâu, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để không xảy ra thiệt hại đáng tiếc do ngập úng, sạt lở đất gây ra nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn, đài truyền thanh tại cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng chống thiên tai và hướng dẫn người dân cách nhận biết và nắm rõ các biện pháp phòng tránh, ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn để có biện pháp chủ động phòng tránh hiệu quả.
- Tổ chức trực ban nghiêm túc; thống kê, báo cáo sự cố, thiệt hại do triều cường, ngập úng, mưa dông, lốc ,sét... (nếu có) về Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy để kịp thời tổng hợp báo cáo Trung ương, UBND tỉnh./.