image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
  
image advertisement
Thực hiện các giải pháp chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn

​Ngày 01/4/2020, Sở Nông nghiệp và Paht1 triển nông thôn đã phát hành Công văn số 1734/SNN-TTBVTVQLCL về việc Thực hiện các giải pháp chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn. Nội dung cụ thể như sau:

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia: Dòng chảy trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long trong nửa cuối tháng 03-04/2020 ở mức thiếu hụt so với TBNN và năm 2016 từ 5-20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều và tình hình xâm nhập mặn ở Long An tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với TBNN và thời gian xâm nhập mặn khả năng tăng cao tại các sông từ nay đến tháng 4/2020.

Thực hiện Công văn số 230/TT-CCN ngày 10/03/2020 của Cục Trồng trọt về việc chỉ đạo sản xuất cây trồng trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị nêu trên đẩy mạnh thông tin tuyên truyền một số nội dung sau:

1. Ảnh hưởng của nước mặn đến đất và cây trồng                 

- Đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, gây xáo trộn, mất cân đối sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây trồng, mặn gây phá hủy cấu trúc đất, đất bị nén chặt, sự phát triển rễ bị giảm, giảm tính thấm nước và thoát nước, thiếu sự thoáng khí cho vùng rễ.

- Tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng có hàm lượng của muối hòa tan cao làm cho áp suất thẩm thấu của dung dịch đất lớn hơn áp suất thẩm thấu của tế bào. Chính vì sự chênh lệch áp suất này làm cho hệ thống rễ cây không hút nước và dinh dưỡng được, đồng thời làm cho màng tế bào bị phá vỡ dẫn đến cây bị mất nước, héo và nếu nặng cây sẽ chết.

- Ảnh hưởng của mặn đối với cây trồng biểu hiện qua các triệu chứng cháy lá, làm giảm sinh trưởng phát triển, ảnh hưởng đến năng suất trường hợp nặng cây bị chết.

2. Phân nhóm khả năng chịu mặn của một số cây trồng

            - Nhóm cây mẫn cảm với mặn chịu được nồng độ mặn 0,5‰ - <1‰: Bơ, thanh long, chuối, khế, nhãn, đu đủ, chanh dây, chôm chôm, bòn bon, măng cụt, nhóm rau ăn lá và rau gia vị. Riêng cây sầu riêng chỉ chịu được nồng độ mặn =<0,5‰.

- Nhóm cây chịu mặn trung bình chống chịu được nồng độ mặn 1‰ - 2‰: Sơri, cây có múi, ổi, khóm, vú sữa, lúa, bắp, đậu phộng, dưa hấu, cà chua, bầu, bí, ớt, hành, dưa chuột, cần tây, bắp cải, khoai mỡ, khoai lang. Riêng đối với cây lúa giai đoạn đòng - trổ, độ mặn khoảng 1,5 g/l sẽ gây ảnh hưởng xấu.

- Nhóm cây chống chịu khá với mặn chống chịu được nồng độ mặn 3‰ - 4‰): Mít, xoài, mãng cầu xiêm, na, mía.

 - Nhóm cây chống chịu tốt với mặn chống chịu được nồng độ mặn 5‰ - 6‰: Dừa, sapô, me

Lưu ý: Sự phân nhóm trên chỉ mang tính tương đối vì còn lệ thuộc vào từng loại giống, tuổi cây, gốc ghép, chế độ chăm sóc, đất trồng, thời gian nhiễm mặn…mà từng loại cây trồng có thể chống chịu được; nhìn chung khi tưới nước trong khung độ mặn nêu trên kéo dài đa số cây sinh trưởng chậm lại và ảnh hưởng đến năng suất,)

3. Một số giải pháp để phòng, chống xâm nhập mặn bảo vệ cây trồng

Để đảm bảo cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, đề nghị các nông hộ nên kiểm tra chất lượng nước trước khi tưới (trang bị máy đo độ mặn để tự kiểm tra trước khi lấy nước tưới cho cây trồng hoặc thu mẫu nước gửi cơ quan chuyên môn để xác định độ mặn giúp). Nên chỉ lấy nước khi độ mặn dưới ngưỡng chịu mặn đối với từng loại cây trồng như đã nêu trên.

a. Đối với sản xuất lúa:

- Khuyến cáo nông dân không gieo sạ lúa Hè thu sớm từ nay đến hết tháng 3/2020; tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước để có kế hoạch trữ nước ngọt tưới cho lúa, huy động mọi phương tiện, tận dụng mọi điều kiện sẵn có để trữ ngọt.

- Tăng cường bón phân kali giúp cây lúa khỏe, tăng tính đề kháng cho cây. Có thể phun một số sản phẩm phân bón lá có chứa kali (KNO3), Canxi, Magiê, Silic,…liều lượng sử dụng theo khuyến cáo ghi trên bao bì sản phẩm.

b. Đối với sản xuất cây ăn trái:

- Không tiến hành xử lý ra hoa, trồng mới trong thời gian hạn mặn nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp cho cây trồng. Đối với cây con đã trồng nên có biện pháp che bóng cho cây.

- Áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa), tưới luân phiên, đúng thời điểm và vừa đủ nước; Kết hợp tủ gốc giữ ẩm cho cây sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ: rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình,… hoặc màng phủ nông nghiệp (lưu ý công tác phòng chống cháy trong mùa khô).

- Trong thời gian hạn mặn, thiếu nước cần tưới lượng nước tối thiểu giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt; Tỉa bớt cành nhánh, hoa và quả non nhằm hạn chế bốc thoát hơi nước.

- Tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất; bón phân lân, kali để nâng cao khả năng chịu mặn cho cây; phun phân bón lá có chứa kali (KNO3), Canxi, Magiê, Silic,… giúp tăng khả năng đề kháng của cây, chống chịu với điều kiện bất lợi do hạn và xâm nhập mặn.

- Trên chân đất nhiễm phèn mặn nên bón thêm vôi nung (CaO), trên đất nhiễm phèn không bón các loại phân chua sinh lý như super lân,

- Thường xuyên kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trong điều kiện khô hạn và xâm nhập mặn.

Trên đây các giải pháp chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn đề nghị các đơn vị nêu trên chủ đông thông tin tuyền truyền cho người dân được biết nhằm giảm nhẹ bớt thiết hại do thiên tai gây ra./.

                                                              VPTT BCH PCTT và TKCN tỉnh tổng hợp

Thư viện ảnh
image advertisement
image advertisement
  image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement